Tình hình chiến trường Baltic trước chiến dịch Chiến_dịch_Baltic_(1944)

Trong suốt năm 1944, quân Đức đã bị phản công mạnh mẽ trên toàn bộ chiến tuyến ở phía Đông. Trong tháng 1 năm 1944, quân Đức đã phải rút khỏi Leningrad sau khi bao vây thành phố trong hơn 3 năm mà không thể chiếm được (xem thêm Trận Leningrad), các cánh quân này rút lui về biên giới Estonia. Trong hai tháng 6 và 7, Tập đoàn quân Trung tâm của bị đẩy lui về Ba Lan sau chiến dịch Bagration. Điều này tạo cơ hội cho hồng quân tấn công về phía biển Baltic nhằm mục đích chia cắt sự liên lạc giữa 2 tập đoàn quân của Đức.

Vào ngày 5 tháng 7 năm 1944, chiến dịch Siauliai bắt đầu, đây là chiến dịch theo sau chiến dịch Bagration. Các cánh quân số 41, 51 và vệ binh số 2 tấn công thành phố Riga trên biển Baltic với sự hỗ trợ của quân đoàn cơ giới số 3. Đến ngày 31 tháng 7 năm 1944, Hồng quân đã tiến tới bờ biển của vịnh Riga. Quân đoàn vệ binh số 6 đã chiếm được Riga và kéo dài cuộc tiến công tới sườn phía Bắc. Các cuộc phản công của quân Đức cũng diễn ra nhanh chóng và bước đầu có một số thành công. Quân Đức đã cho thành lập các đội quân thiết giáp độc lập nhằm mục đích tiêu diệt nhanh chóng các đơn vị Hồng quân trên bờ biển, và nhanh chóng thiết lập một hành lang rộng 30 km cho phép duy trì sự liên lạc giữa hai tập đoàn quân Trung tâm và phương Bắc. Cuộc phản công thứ hai của quân Đức, được đặt tên là chiến dịch Doppelkopf, diễn ra từ ngày 16 tháng 8 năm 1944. Cuộc phản công này vấp phải sự phòng thủ theo chiều sâu của Phương diện quân Baltic số 1, và tới ngày 20 tháng 8, cuộc phản công bị sa lầy với một thiệt hại nặng nề cho quân Đức. Một cuộc phản công tiếp sau đó với tên gọi chiến dịch Cäsar cũng rơi vào một kết cục tương tự cho quân Đức. Sau khi được nghỉ ngơi, Hồng quân bắt đầu phản công và thực hiện chiến dịch Baltic, chiến dịch này bắt đầu từ ngày 14 tháng 9 và kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 1944.